Những điều chưa biết về dòng gốm Satsuma của Nhật Bản

Satsuma là một loại gốm sứ truyền thống nổi tiếng của Nhật Bản, được chế tác và phát triển từ thế kỷ 16. Được đặt tên theo tỉnh Satsuma (nay là tỉnh Kagoshima), gốm sứ Satsuma đã trở thành một biểu tượng văn hóa và nghệ thuật quan trọng trong nền công nghiệp sứ Nhật Bản.

Tương tự vùng North Staffordshire (Anh), Cảnh Đức Trấn và Nghi Hưng (Trung Quốc), vùng Satsuma đồng nghĩa với danh xưng gốm sứ từ giữa cuối thế kỷ 19. Satsuma thuộc dòng gốm đất nung, được sản xuất lần đầu tại vùng Satsuma phía Nam đảo Kyushu, xung quanh khu vực Kagoshima từ những năm 1600. Theo đó, trong 2 lần xâm lược Triều Tiên năm 1592 và 1596 làm bàn đạp tấn công Trung Quốc, lãnh chúa Shimazu Yoshi-Hiro và 1.000 võ sĩ Satsuma theo trợ chiến đã bắt cóc về Nhật 47 tù binh, là nghệ nhân và thợ gốm lành nghề, nhằm phục vụ công nghiệp gốm riêng gia tộc Shimazu và sản xuất đồ gia dụng, trà cụ cho nghi lễ trà đạo. Lịch sử hiện đại ghi nhận là “cuộc chiến tranh gốm sứ”, vì nó đặt nền tảng phát triển gốm sứ Hizen Nhật trong kỷ nguyên vàng của Thời đại Edo, hay còn gọi là thời kỳ Mạc phủ Tokugawa (1603-1868) bế quan tỏa cảng.

Gốm sứ Satsuma ngày càng được người Việt ưa chuộng bởi độ tinh xảo và giá trị tinh thần mà nó đem lại. Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn

Gốm sứ Satsuma nổi tiếng với độ tinh xảo và sự tinh tế trong từng chi tiết. Với thiết kế tinh vi và các đường nét mềm mại, sản phẩm Satsuma thường mang một vẻ đẹp truyền thống và đậm chất cổ điển. Gốm sứ Satsuma thường được trang trí bằng các hoa văn phong cách Nhật Bản, như hoa anh đào, cánh đồng lúa, chim, và cây cỏ.

Một đặc điểm nổi bật của gốm sứ Satsuma là kỹ thuật sơn mài, nơi các họa tiết được vẽ bằng mực mài sau đó đốt trong lò để tạo ra màu sắc rực rỡ và bền vững. Kỹ thuật này đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn từ các nghệ nhân, và tạo nên những tác phẩm sứ đẹp mắt với màu sắc tươi sáng và chi tiết tinh xảo.

Gốm Satsuma chia 2 loại, Satsuma đen (kuro) và trắng (shiro). Kuro-satsuma được làm từ đất sét chứa khoáng chất sắt cao và tráng men sậm màu truyền thống, có niên đại từ trước những năm 1600 (Ko-satsuma), ngày nay vẫn còn sản xuất dân dụng. Năm 1617, khi thợ gốm Triều Tiên phát hiện đất sét vàng sáng màu là sét khoáng trắng núi lửa quanh Kagoshima bị phong hóa bởi các suối nước nóng, họ bắt đầu sản xuất Shiro-satsuma với đặc trưng phần thân màu kem phủ men rạn nhuyễn, tỏa màu vàng be (beige) sáng đẹp. Các lãnh chúa Shimazu đều là chính trị gia có tâm hồn nghệ sĩ, yêu trà đạo và thích sưu tập cổ vật Trung Quốc, Triều Tiên. Tuy nhiên, mọi trang trí gốm Satsuma vẫn giữ tối giản như tính cách Nhật Bản với đồ án rồng, phụng, lân ảnh hưởng từ đồ sứ Manreki Akae và vẽ suối nước, mây, núi, hoa, chim, côn trùng theo bút pháp tả chân Trung Hoa hoặc không trang trí gì ngoài các hồi văn viền.

Những món đồ gốm sứ Satsuma nguyên thủy, được làm, sơn và đóng dấu bằng tay với dấu triện bằng chữ Kanji Nhật Bản được sao chép, sản xuất hàng loạt và đưa đi khắp thế giới. Khi ấy, muốn sở hữu gốm sứ Satsuma là đồ thủ công gia đình, do những người thợ gốm sứ cổ có tay nghề cao làm ra thì chỉ có thể kiếm được tại những cửa hàng gốm sứ cổ địa phương. Nhiều món đồ gốm sứ Satsuma có xuất xứ từ địa phương gốc và từ thợ gốc làm ra, chẳng hạn như đồ gốm sứ của gia đình Kinkozan, rất hiếm khi còn nguyên vẹn và ở trong tình trạng tốt. Chính vì vậy, chúng được các nhà sưu tầm mua với giá cao.

Dưới tác động của thời gian và công nghệ hiện đại, nghệ thuật gốm sứ Satsuma vẫn tồn tại và phát triển. Các nghệ nhân ngày nay vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu và đam mê của mình qua từng tác phẩm gốm sứ Satsuma mới, mang lại sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Huỳnh Ngọc Sơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *