Kỳ 4: Vì sao nhà đầu tư mất niềm tin vào Công ty Nhật Nam?

Để xoa dịu việc không thực hiện phân chia lợi nhuận theo hợp đồng đã cam kết, Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (Công ty Nhật Nam) đã đưa ra mọi lý do để trì hoàn. Vậy những lý do ấy là gì? Tại sao nhà đầu tư lại đang mất niềm tin vào phía công ty này?

Như đã thông tin trong loạt bài viết trước đó, hàng nghìn nhà đầu tư đang vô cùng hoang mang, lo lắng vì có nguy cơ trắng tay thì Công ty CP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam thông báo về việc thu hồi hợp đồng gốc, chuyển đổi pháp nhân mới là Sông Đà Nhật Nam.

Trước những hoài nghi và hàng loạt câu hỏi của nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam chỉ trả lời vỏn vẹn rằng, công ty đang gặp nhiều khó khăn nên không thực hiện việc chi trả quyền lợi cho nhà đầu tư như cam kết.

Nhà đầu tư tập trung trước công ty Nhật Nam đòi tiền. Video: Lê Văn Dũng

Anh L.V – một nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, nhà đầu tư không phải không cảm thông cho khó khăn của doanh nghiệp mà họ đã và đang đồng hành cùng Nhật Nam đương đầu với khó khăn trong suốt một năm qua. Tuy nhiên, mọi sự nỗ lực đồng hành đều có giới hạn, các nhà đầu tư đều không thể đồng hành với Công ty thêm được nữa. Bởi những phản hồi từ phía Công ty Nhật Nam đến nhà đầu tư đều là những phản hồi tiêu cực về cảm xúc, vô lý về lý trí và thiếu căn cứ về mặt pháp lý.

“Chính điều này khiến niềm tin của các Nhà đầu tư dần vơi cạn, động lực đồng hành không còn, dẫn đến việc quyết tâm chấm dứt hợp tác với Công ty Nhật Nam” – Anh V. bức xúc.

Việc Công ty Nhật Nam hứa và thất hứa suốt 1 năm qua, nhà đầu tư liên tục nhận được vài chục thông báo về việc trì hoãn, gia hạn thời gian chỉ trả quyền lợi với đủ mọi lý do. “Mặc dù họ gửi đi hàng chục thông báo nhưng không một thông báo nào họ thực hiện được. Chính vì thế họ không thể trách nhà đầ tư được, những nguyên nhân của sự khó khăn mà Nhật Nam đưa ra là không thuyết phục với chúng tôi” – Anh V. cho biết.

Theo các nhà đầu tư, tại các cuộc họp, Chủ tịch của Công ty Nhật Nam là bà Vũ Thị Thúy nhiều lần phát ngôn và thống nhất rằng sự khó khăn của Công ty là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19; do ngân hàng siết chặt cho vay đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và do khủng hoảng truyền thông…

Theo như các nhà đầu tư thì việc lấy lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 của Công ty là hoàn toàn không hợp lý. Bởi Công ty Nhật Nam kêu gọi nhà đầu tư để tuyên truyền rằng, ngay trong khi dịch bệnh hoành hành, Nhật Nam vẫn phát triển như vũ bão, gấp 5, 10 lúc chưa dịch. “Chính vì thế họ không được phép đổ lỗi cho dịch bệnh, nếu đúng bị ảnh hưởng do dịch bệnh thì đồng nghĩa với việc họ tuyên truyền cho chúng tôi là gian dối, lừa dối khách hàng. Hơn nữa, giai đoạn hiện nay sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, cả nước đang đua nhau phục hồi kinh tế mà sao Nhật Nam lại lấy lý do dịch bệnh thì liệu có thuyết phục không?”- Anh V. nói thêm.

Nói về lý do khó khăn do ngân hàng không cho công ty vay vốn, một chuyên gia pháp lý cho rằng: Nếu như nghe qua thì rất có lý, vì đúng là giai đoạn này các tổ chức tín dụng đều siết chặt cấp tín dụng.

Tuy nhiên, Công ty Nhật Nam lại không có quyền lấy nguyên nhân này ra để thanh minh, bởi lẽ: Tất cả các Nhà đầu tư vào Nhật Nam đều được nghe quảng cáo rằng: “Nhật Nam chúng tôi không cần vay ngân hàng theo con đường truyền thống như các doanh nghiệp khác, chúng tôi đi theo con đường riêng bằng cách huy động vốn trong người dân, bởi vay ngân hàng rất nhiều bất lợi v.v…”

Như vậy, rõ ràng chiến lược của Công ty ngay từ đầu đến giờ là không cần vay ngân hàng, vậy thì Công ty quan tâm đến việc ngân hàng có cho vay hay không để làm gì?

Nếu thực sự Nhật Nam quan tâm đến việc huy động vốn bằng vay ngân hàng thật thì chẳng phải là Nhật Nam đã gián tiếp thừa nhận rằng ngay từ đầu Nhật Nam đã đưa thông tin gian dối để lừa dối các Nhà đầu tư.

“Đó là còn chưa kể đến việc ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay, chứ không phải không cho vay. Nếu Công ty Nhật Nam vay mà không được thì có nghĩa rằng họ tự thừa nhận rằng Công ty mình là một đơn vị yếu kém, không đủ uy tín, không đủ tài sản đối ứng, không rõ ràng về hành lang pháp lý. Hơn nữa dự án và phương hướng kinh doanh không khả thi… nên mới không vay được Ngân hàng? Liệu các Nhà đầu tư có nên tiếp tục đặt niễm tin vào một đơn vị như vậy không?” – Chuyên gia pháp lý này cho hay.

Một nguyên nhân nữa khiến cho Công ty Nhật Nam gặp khó khăn mà họ đưa ra là “bão truyền thông”. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, nguyên nhân của “cơn bão truyền thông” không phải là do phía nhà đầu tư, cũng không phải do khách quan đem lại, mà chính là do phía Công ty.

“Họ tự ý đưa ra những thông tin không đúng sự thật về chức danh của các Đại biểu tham dự trong những Hội nghị cả ngàn người tham gia để tạo dựng lòng tin, kêu gọi đầu tư. Đến khi bị phanh phui thì lại lấy lý do là nguyên nhân. Hơn nữa, chính trong “cơn bão truyền thông” đó, nếu Nhật Nam thực là một đơn vị uy tín thì lại càng phải trả quyền lợi đúng và đủ cho nhà đầu tư. Đằng này lại cắt chỉ trả ngay lập tức khi “bão truyền thông” bắt đầu. Như vậy chẳng phải là đã gián tiếp khăng định Nhật Nam là một đơn vị hoạt động theo mô hình đầy tai tiếng, không có Nhà đầu tư mới rót tiền vào là mất luôn nguồn thanh khoản, các Nhà đầu tư cũ chỉ có ngồi “chờ chết?’ sao?” – Chị B – một nhà đầu tư tại Hà Nội phân tích.

Lê Văn Dũng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *