Chơi gốm Nhật – thú vui dễ “gây nghiện”

Thú “chơi” gốm Nhật đã thịnh hành trong một bộ phận không nhỏ bạn trẻ tại TPHCM, nhưng đã lan rộng ra Bắc từ hơn 1 năm nay. Sở hữu những món gốm Nhật đã qua sử dụng, đồ vật bày biện trong bữa ăn gia đình tạo cảm xúc rất khó tả.
Bộ sự tập gốm Nhật của bạn Ngọc Ánh. Ảnh: Nguyễn Thanh Hiếu

Cầm trên tay 3 chiếc tô gốm đen nhức được vẩy ngẫu nhiên những chấm nhũ vàng, chị Kiều Anh (ở ngõ 122 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), hớn hở: “Mình may mắn chọn được 3 chiếc tô sâu lòng cho cả nhà ăn mỳ. Màu vàng của mỳ trứng, màu xanh của các loại rau thơm và  màu đỏ của cà chua sẽ cực kỳ nổi bật trên nền đen bóng của gốm. Món ăn sẽ ngon gấp bội phần”.

Nói về việc sưu tầm gốm Nhật, chị Kiều Anh cho rằng, đây là thú chơi tao nhã và cực kỳ tốn kém: “Nếu mua những món hàng đại trà, giá chung của thị trường là 150.000  – 180.000 đồng/kg. Nhưng những món đồ độc đáo, thường được bán riêng với giá “chát” không tưởng. Món đó chỉ dành cho những người mê gốm Nhật và sưu tầm những hàng độc, lạ, tính thẩm mỹ cao” – chị Kiều Anh nói.

Cũng mon men tập chơi gốm Nhật, khi mua cho mình món đồ đầu tiên, bản thân người viết bài này cũng thấy cảm xúc mà gốm Nhật secon-hand mang lại rất khó tả. Những dường vân gốm, những hoa văn đơn giản phóng khoáng trên gốm Nhật có sức hấp dẫn kỳ lạ và mỗi ngày người chơi lại tìm ra được những nét mới trong sáng tác mà nghệ nhân đã gửi gắm.

Tại những cửa hàng, một chiếc ly đôi khi được bán giảm giá thường 15.000 đồng. Nhưng giá thông thường của gốm Nhật, thấp nhất cũng khoảng từ 30-40 ngàn đồng một sản phẩm. Những món độc đáo hơn, giá tiền trăm, món có thiết kế lạ, gốm cao cấp, giá có thể lên đến tiền triệu tùy độ “máu” của chủ nhân.

“Tôi đã bán một chiếc khay gốm giá cả nửa triệu đồng. Bản thân tôi nhìn chiếc khay gốm lam kia chẳng có gì đặc sắc, thậm chí có trọng lượng lên đến 3kg – nếu bán theo kg cũng đến 500.000 đồng-một cái giá không hề rẻ cho một vật dụng dành để chứa ly tách uống trà, nhưng người đàn ông đã mua nó với nhiềm vui không giấu nổi” – chị Nguyễn Thanh (chủ cửa hàng gốm Nhật tại Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết.

Theo một “con nghiện” gốm cổ, ngoài những món gốm thông thường, cộng đồng “gốm nhân” còn mê gốm cổ từ các nước Anh, Pháp, Nhật… với niềm đam mê vô hạn,  nên người bán có thể thu bộn tiền theo kiểu “mua ký, bán cái”, “mua tiền trăm,  bán tiền triệu” như đã nói ở trên, bởi khi ánh mắt “kẻ  nghiện” đã chạm phải món đồ mình yêu thích, thì kiểu gì cũng cố mua cho bằng được.

“Tôi đã từng bấm bụng bỏ qua những món gốm cổ bởi chúng bị hét giá quá cao. Nhưng rốt cục vẫn gom tiền để sở hữu cho bằng được” – anh Nguyễn Quân, một người mê gốm cổ trên phố Hoàng Hoa Thám, bày tỏ.

Nguyễn Thanh Hiếu

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *